Giỏ hàng
NGỨA NHƯ MUỐN CÀO MẮT VÌ CÁC BỆNH VIÊM KẾT MẠC DỄ GẶP TRONG MÙA HÈ

NGỨA NHƯ MUỐN CÀO MẮT VÌ CÁC BỆNH VIÊM KẾT MẠC DỄ GẶP TRONG MÙA HÈ

Ngày: 19-06-2018 đăng bởi: Admin Thu Hà

BS Hoàng Cương (BV Mắt Trung ương) cho biết, trong những ngày hè, bệnh nhân đến khám đông nhất là bị đau mắt vì viêm kết mạc. Đặc điểm dễ nhận nhất người bị viêm kết mạc dị ứng bị ngứa ngáy “điên cuồng”, ngứa muốn cào vào mắt.


Viêm kết mạc dị ứng “hoành hành”

Theo BS Hoàng Cương, những ngày nắng nóng này bệnh lý viêm kết mạc dị ứng (còn gọi là viêm kết mạc mùa xuân) có cơ hội “hoành hành”. Nền nhiệt cao, đậm độ tia tử ngoại tăng vọt, nắng nhiều khiến bệnh đang ổn định bỗng nặng lên. Rất nhiều các cháu thiếu niên, nam gặp nhiều hơn nữ đến gặp bác sĩ trong những ngày hè vì căn bệnh này.

Ngoài các biểu hiện điển hình như: nhú gai trên kết mạc sụn, thẩm lậu vùng rìa, ánh củng mạc mờ đục thì việc khai thác tiền sử sẽ giúp bác sĩ khẳng định chẩn đoán. Có đến hơn 80% bệnh nhân viêm kết mạc dị ứng có cơ địa dị ứng, từng bị hen suyễn, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn... Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng này cũng dễ bị viêm kết mạc mùa xuân.


Bệnh viêm kết mạc dị ứng thường khiến người bệnh vô cùng ngứa mắt, khó chịu.

“Điểm đặc biệt, các bệnh nhân đều vô cùng ngứa mắt. Không cần những xét nghiệm đắt tiền trong labo, chỉ với câu hỏi cháu có bị ngứa hay không cộng với khám lâm sàng khiến ta có thể chẩn đoán chắc chắn tới 85%. Bệnh nhân viêm kết mạc mùa xuân khốn khổ vì ngứa, càng day dụi càng thích, ngứa muốn cào mắt ra. Đây là biểu hiện thể nặng của viêm kết mạc quanh năm, bệnh nhân bị ngứa quanh năm, dữ dội nhất là trong dịp hè”, BS Cương cho biết.

Tuy nhiên, vũ khí để chiến đấu với viêm kết mạc mùa xuân lại không có nhiều. Vì thế, bệnh nhân không tùy tiện dùng thuốc mà hãy đến viện để được các bác sĩ chỉ định, kết hợp thuốc.

Ngoài ra, chườm đá và ngừng dụi mắt sẽ giúp bệnh nhân giảm ngứa. Bệnh nhân cũng nên để nước mắt nhân tạo trong ngăn mát tủ lạnh khi nhỏ mắt sẽ dễ chịu hơn. Đội mũ rộng vành, kiêng nắng, kiêng nóng, đeo kính ngăn tia UV có gọng to ôm sát mặt sẽ giúp trẻ có thể chơi và học như những trẻ khác trong mùa hè.

Viêm kết mạc vì nước bể bơi

Mùa hè, nếu tắm nắng thái quá, không mang kính bảo vệ, tắm nắng khi đậm độ tia UV đang rất cao từ 10h sáng đến 2 h chiều có thể gây bỏng da mi, xung huyết kết mạc, tổn thương biểu mô giác mạc. Tuy nhiên, tai nạn này gặp không nhiều do màu lông mi và lông mày người Việt Nam chúng ta có nhiều sắc tố, ngăn cản tốt tia UV xâm nhập vào mắt.



Tuy nhiên, đau mắt đỏ khi đi bơi tại các bể bơi công cộng lại là nguy cơ tiềm tàng. Người đi bơi có nguy cơ nhiễm vi khuẩn có tên là chalamydia - đây là vi khuẩn cùng họ với vi khuẩn gây ra bệnh mắt hột. Vi khuẩn này có thể từ bộ phận sinh dục lây vào mắt hoặc từ mắt sang mắt. Các bác sĩ Pháp còn gọi bệnh là viêm kết mạc bể bơi hay viêm kết mạc thể vùi trên người lớn.

Biểu hiện của bệnh này là mắt đỏ, ra gỉ nhiều, kết mạc có hột đặc hiệu, giác mạc có thể bị ảnh hưởng: viêm giác mạc chấm và thẩm lậu giác mạc vùng rìa, viêm dưới biểu mô và màng máu. Một chu kỳ bệnh diễn tiến từ 3 đến 12 tháng. Chính vì vậy bệnh nhân nên đi khám để lấy đơn thuộc điều trị đặc hiệu và phải kiên trì điều trị theo đơn của bác sĩ.

Đau mắt do vi rút Adeno

Thủ phạm gây đau mắt còn do nhóm vi rút Adeno. Biểu hiện bệnh lý do Adenovirus trên mắt khá đa dạng: viêm kết mạc có hột cấp; viêm kết giác mạc dịch tễ; viêm thanh quản- kết mạc có sốt; viêm kết giác mạc có hột mạn tính

Đau mắt do vi rút thường có nguy cơ gây dịch, xảy ra vào mùa nóng. Bệnh lây lan dễ dàng do vi rút có tính kháng cồn, tồn tại trên các bề mặt dụng cụ gia đình và cả dụng cụ y tế tới... 35 ngày. Biểu hiện chung là triệu chứng nhiễm vi rút là: sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch. Sau đó là các triệu chứng tại mắt rầm rộ, rất khó chịu: đỏ mắt, ra gỉ, cộm rát.

Với thể viêm kết- giác mạc các triệu chứng của viêm giác mạc sẽ xuất hiện từ ngày thứ 7 đến 14: viêm biểu mô lan tỏa, viêm dưới biểu mô dạng đốm, đám thẩm lậu dưới biểu mô. Bệnh nhân sẽ có nhìn mờ, chảy nước mắt, sợ sáng khác hẳn với các thể lành tính khác: không có nhìn mờ, sợ sáng, kết thúc nhanh và êm dịu.

Ở những trường hợp viêm kết mạc kèm theo giả mạc điều trị sẽ khó khăn hơn. Bệnh nhân cần được bóc giả mạc trong bệnh viện, thường sau 10 ngày bệnh mới có xu hướng lui giảm và khỏi.

Ngoài ra, đau mắt đỏ có xuất huyết dưới kết mạc rộng còn do vi rút Coxakie A24 và entero vi rút gây nên. Tuy lây lan mạnh, làm bệnh nhân lo sợ nhưng lại khỏi nhanh và không có biến chứng.

Để phòng viêm kết mạc do vi rút, cần thường xuyên rửa tay xà phòng, chống lây lan. Rửa mắt bằng nước muối hoặc nước mắt nhân tạo các loại khi có người xung quanh bị đau mắt đỏ. Có thể dùng kháng sinh và các thuốc có steroides nhưng phải có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt.