Giỏ hàng
CẬN THỊ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

CẬN THỊ - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Ngày: 15-10-2018 đăng bởi: Hồ Nam

Cận thị là một trong những điều phiền toái ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng liệu chúng ta có đủ kiến thức về nguyên nhân và cách chữa bệnh cận thị hay không?

Cận thị là gì?

Cận thị (Myopia, Nearsightedness) là do nhãn cầu bị dài ra hoặc do độ tụ của mắt tăng hơn bình thường. Khi các cơ thể mi đã giãn hết thì không còn cơ chế nào để làm giảm độ tụ của mắt nữa, từ đó khiến mắt không thể điều tiết để ảnh nằm đúng trên võng mạc. Tiêu cự của mắt không nằm trên võng mạc mà nằm trước võng mạc, trong thủy tinh dịch.

Triệu chứng và dấu hiệu

  • Thường xuyên giụi mắt, nheo mắt, mỏi mắt
  • Không nhìn rõ mọi vật ở khoảng cách trên 1m
  • Đọc sách ở khoảng cách gần, cúi sát bàn khi viết bài, khó đọc hoặc đọc nhầm do không thấy rõ chữ
  • Thành tích học tập của trẻ giảm sút đột ngột và trẻ thường xuyên mượn tập bạn chép bài do không thấy chữ trên bảng

Nguyên nhân gây cận thị?

  • Do di truyền
  • Do trẻ sinh non hoặc trẻ có cân nặng thấp khi sinh
  • Trẻ thiếu hoặc ít ngủ
  • Do ngồi xem tv lâu ở khoảng cách gần; đọc sách trong thời gian dài trong điều kiện ánh sáng không đầy đủ; ngồi sai tư thế khi học bài, khi viết bài
  • Do cơ thể mi kém phát triển, không đủ khả năng điều tiết để làm mắt thích ứng với các cự ly nhìn khác nhau

Biến chứng của cận thị

Tật cận thị thường không gây biến chứng nặng, trừ trường hợp điều tiết quá kém có thể gây lé ngoài, không điều chỉnh tốt thì có nguy cơ bị nhược thị.

“Cận thị” là từ dùng chung nhưng có sự khác biệt giữa tật cận thị và bệnh cận thị, tật thì độ cận thường không quá 6D, còn bệnh thì có thể đến 20D, thậm chí 60. Bệnh cận thị luôn kèm theo các biến chứng nặng nề như teo gai thị, thoái hóa võng mạc,…


Cách chữa bệnh cận thị

Tật cận thị có thể chữa trị bằng cách đeo kính có gọng, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ. Tùy thuộc vào mức độ cận thị, bạn có thể phải đeo kính có gọng hoặc kính áp tròng liên tục hoặc chỉ khi cần nhìn xa rõ, như lái xe, nhìn bảng khi học hoặc xem phim.

Chọn kính cận tốt nên có tròng kính có độ chiết suất cao (giúp kính mỏng hơn và nhẹ hơn) và có lớp chống lóa. Ngoài ra, nên chọn lựa kính quang học tự đổi sang màu sẫm hơn khi ra nắng để bảo vệ mắt khỏi tia UV và ánh sáng xanh có hại, cũng như tiết kiệm chi phí cho kính mát. Khi đeo kính cân, con số đầu tiên (“sphere”) trên toa kính sẽ đứng sau dấu (-), số càng cao nghĩa là bạn cận càng nặng.

Phẫu thuật khúc xạ có thể giúp giảm hoặc thậm chí là giúp bạn không cần đeo kính. Thủ thuật phổ biến nhất là phẫu thuật thực hiện với Laser Excimer.

– Trong phẫu thuật PRK (Photo Refractive Keratectomy), tia laser sẽ loại bỏ một lớp mô giác mạc, làm phẳng giác mạc phẳng và cho phép các tia sáng hội tụ đúng trên võng mạc.

– Trong phẫu thuật LASIK – phương pháp phẫu thuật khúc xạ phổ biến nhất – một vạt mỏng sẽ được tạo ra trên bề mặt của giác mạc, laser sẽ loại bỏ một số mô giác mạc và sau đó, vạt giác mạc được đặt lại vị trí ban đầu.

– Trong phẫu thuật Femto LASIK là phương pháp tạo vạt giác mạc không cần dao mổ mà sử dụng tia laser femtosecond. Ưu điểm của phương pháp này là vạt giác mạc được tạo ra có độ dày ổn định và đồng đều, loại bỏ hoàn toàn biến chứng thông thường như trong phương pháp cắt vạt bằng dao thường. Hơn nữa năng lượng sử dụng trong tia laser femtosecond thấp và tăng tính an toàn trong phẫu thuật.

– Phẫu thuật ReLEx SMILE là phẫu thuật điều chỉnh tật khúc xạ không lật vạt giác mạc, không sử dụng dao vi phẫu cơ học, có thể điều trị tật khúc xạ cho bệnh nhân có độ cận và độ loạn thị cao.. Phương pháp này có độ an toàn và chính xác gần như tuyệt đối. Ưu điểm của phương pháp ReLEx SMILE là ít gây ra tổn thương hệ thần kinh ở giác mạc, đảm bảo được sự vững chắc cơ học tự nhiên của giác mạc. Bệnh nhân sau khi phẫu thuật có kết quả tốt, có tính ổn định cao, ít khả năng tái cận.

- Orthokeratology (Ortho-K) là một phương pháp không phẫu thuật, bạn mang một kính áp tròng cứng (RGP hoặc GP) vào ban đêm, giúp điều chỉnh hình dáng giác mạc trong khi ngủ. Khi bạn tháo kính vào buổi sáng, giác mạc tạm thời giữ lại hình dạng mới, vì vậy bạn có thể nhìn rõ cả ngày mà không cần đeo kính có gọng hay kính áp tròng điều chỉnh mắt cận thị. Biện pháp này được gọi là liệu pháp điều trị khúc xạ giác mạc (CRT) đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc chữa trị tạm thời cận thị ở mức độ nhẹ đến trung bình. CRT thường được áp dụng trong trường hợp bệnh nhân còn quá nhỏ không đủ tuổi để phẫu thuật LASIK hoặc không được phép phẫu thuật vì một lý do nào khác.

Phẫu thuật đặt kính nội nhãn trên mắt còn thủy tinh thể (được gọi là Phakic IOL) là một lựa chọn phẫu thuật khác giúp điều chỉnh độ cận thị, đặc biệt với những người cận nặng hoặc có giác mạc mỏng hơn bình thường có thể  tăng nguy cơ biến chứng khi phẫu thuật LASIK hoặc các phẫu thuật laser điều chỉnh khác. Phakic IOL hoạt động tương tự như kính áp tròng, ngoại trừ được đặt bên trong mắt và thường vĩnh viễn. Không giống như kính nội nhãn trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, Phakic IOL không thay thế thể thủy tinh của mắt, và thể thủy tinh vẫn còn nguyên vẹn.

Khi phát hiện những dấu hiệu, biểu hiện trên bạn nên đến khám ngay các bác sĩ chuyên khoa để nhận được sự tư vấn điều trị sớm nhất.


HỆ THỐNG KÍNH THUỐC - PHÒNG KHÁM MẮT THU HÀ
(Đối diện cổng số 1 Bệnh viện mắt Trung Ương)

  • Phòng khám chuyên khoa mắt: Tầng 2, Số 134 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570 (máy lẻ 102)
  • Nhà Thuốc chuyên khoa mắt: Tầng 2, Số 134 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570 (máy lẻ 102)
  • Hiệu kính: Số 134 và 140 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570
  • Hotline: 0908134140
  • ĐT: 02439434570
  • Web: www.kinhthuocthuha.vn
  • Email: phongkham@kinhthuocthuha.vn