Giỏ hàng
BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ - VIÊM KẾT MẠC: TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ - VIÊM KẾT MẠC: TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Ngày: 19-05-2018 đăng bởi: Đỗ Nam

Bệnh đau mắt đỏ là gì?

Viêm kết mạc hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng), kết mạc mi. Bệnh rất thường gặp (cấp tính chiếm tần suất mắc cao hơn mạn tính), điều trị dễ dàng và có thể tránh được. Bệnh có thể gặp ở tất cả mọi giới, mọi lứa tuổi: trẻ em, người trưởng thành, người già. Viêm kết mạc dễ lây lan và có thể lan rộng thành dịch vào mùa xuân-hè.

Các nguyên nhân gây đau mắt đỏ thường gặp

  • Virus: là nguyên gây bệnh hay gặp nhất, trong đó Adeno virus chiếm 80% các trường hợp viêm cấp. Bệnh rất dễ lây lanlây khi tiếp xúc trực tiếp với nước mắt bệnh nhân; ho, hắt hơi khi viêm họng hay cảm cúm đi kèm. Nhưng thường tự giới hạn và khỏi trong vòng ngày mà không cần điều trị.
  • Vi khuẩn: gây viêm kết mạc thường gặp là Staphylococus, Hemophilus Influenza …đứng thứ 2 sau virus, có thể gây ra những tổn thương nặng nếu không được điều trị.Bệnh lây qua dịch tiết nước mắt hay vật dụng dính dịch tiết chạm vào mắt. 
  • Dị ứng (bụi, lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc, hóa chất…):chiếm từ 15%- 40%, khó xác định chính xác tác nhân gây dị ứng,tùy cơ địa mỗi người, thường xảy ra theo mùa, kéo dài hay tái phát.

Triệu chứng viêm kết mạc - đau mắt đỏ

Các triệu chứng của viêm kết mạc tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh, thường lây truyền sau 3-5 ngày khởi phát:

Viêm kết mạc do virus:

  • Ghèn dây, ngứa, chảy nước mắt – cộm xốn nhiều.
  • Phù mi kết mạc, giả mạc.
  • Giảm thị lực, chói sáng khi biến chứng khô mắt – thâm nhiễm giác mạc.
  • Có thể bị một hoặc cả hai mắt

Viêm kết mạc do vi khuẩn:

  • Ghèn vàng hay màu vàng xanh nhạt gây dính 2 mi mắt khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Ngứa, chảy nước mắt
  • Trường hợp nặng có thể gây viêm loét giác mạc, giảm thị lực không phục hồi.
  • Có thể bị một hoặc cả hai mắt

Viêm kết mạc do dị ứng:

  • Chảy nước mắt, ngứa mắt nhiều, thường kèm theo viêm mũi dị ứng.
  • Bệnh xảy ra cả hai mắt.
  • Bệnh không lây

Cách chăm sóc và điều trị đau mắt đỏ - viêm kết mạc

Việc điều trị viêm kết mạc tùy vào tác nhân gây viêm:

  • Viêm kết mạc do virus: bệnh thường tự giới hạn trong vài ngày mà không cần điều trị. Bệnh nhân có thể chườm lạnh, rửa mắt bằng nước lạnh và sạch để giảm bớt triệu chứng khó chịu. Có thể nhỏ nước mắt nhân tạo kèm theo cộng với khàng sinh phòng bội nhiễm.
  • Viêm kết mạc do vi khuẩn: sử dụng kháng sinh hổ rộng nhỏ và/ hoặc mỡ tra mắt theo toa của bác sĩ
  • Viêm kết mạc do dị ứng: tránh tiếp xúc tác nhân gây dị ứng, sử dụng kháng viêm – kháng dị ứng, ổn định dưỡng bào nhỏ tại chỗ hay đường uống theo chỉ định của bác sĩ. Nhỏ nước mắt nhân tạo rửa trôi và làm dễ chịu cảm giác ngứa.

Bên cạnh đó người bị đau mắt đỏ cần chú ý:

  • Bạn phải ngưng sử dụng kính áp tròng và thay bằng kính gọng cho đến khi các triệu chứng bệnh biến mất hoàn toàn. Hãy nhớ thường xuyên vệ sinh sạch sẽ hộp đựng kính và kính nữa bạn nhé;
  • Ghèn thường tích tụ ở mắt trong lúc ngủ và đặc biệt nếu người bệnh là trẻ nhỏ, bé sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu vì lớp ghèn làm dính chặt mắt lại. Do vậy, bạn hãy dùng khăn tắm nhúng nước ấm chùi nhẹ quanh vùng mắt bé để loại bỏ bớt ghèn;
  • Sử dụng băng gạc vệ sinh mắt rất dễ lây bệnh từ mắt này sang mắt kia. Vì thế, bạn nên sử dụng hai miếng gạc cho mỗi mắt và chỉ dùng một lần duy nhất;
  • Khi vệ sinh mắt, bạn hãy lau từ khu vực trong (bên cạnh mũi) ra phía bên ngoài. Đồng thời sử dụng một bề mặt gạc cho mỗi lần lau để ghèn mắt không bị sót lại trên mắt;
  • Nếu sử dụng khăn giấy hoặc giấy lau, bạn phải dọn dẹp giấy rác sạch sẽ và không vứt bừa bãi;
  • Nếu dùng khăn để làm sạch mắt, bạn hãy giặt chúng ngay sau khi dùng để không ai tiếp xúc hoặc sử dụng chúng. Sau khi lau mắt, hãy nhớ rửa tay để tránh bệnh lan sang mắt bên cạnh bạn nhé.

Các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ

Nếu chúng ta có những kiến thức cơ bản về bệnh viêm kết mạc chúng ta có thể tránh được sự lan truyền và nhiễm bệnh cho bản thân và người nhà

  • Sử dụng khăn, vật dụng cá nhân riêng trong gia đình và nơi làm việc
  • Không dụi mắt, che miệng- mũi khi hắt hơi, chảy mũi.
  • Rửa tay thường xuyên đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh, ở nơi công cộng (trường học, bệnh viện, cơ quan có người bị viêm kết mạc)
  • Sử dụng dung dịch vệ sinh tay
  • Nếu bạn sử dụng kính tiếp xúc cần được bác sĩ tư vấn và khám khi có triệu chứng cộm xốn chảy nước mắt. Ngâm rửa vệ sinh contact lens hằng ngày
  • Mang kính bảo vệ mắt khi ra ngoài, trong môi trường làm việc ô nhiễm khói bụi, mang kính khi bơi.
  • Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin C, A, E…
  • Vì viêm kết mạc có nhiều nguyên nhân và có thể gây nên giảm thị lực không hồi phục nên bạn cần đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa mắt.
  • Không nên đi học hoặc đi làm cho đến khi nào bệnh tình cải thiện;
  • Nếu bệnh mắt đỏ do virus gây ra, bệnh tình sẽ bắt đầu cải thiện từ 3 đến 5 ngày. Thông thường, loại đau mắt đỏ này không nhất thiết phải sử dụng thuốc, tuy nhiên, việc ngăn ngừa bệnh lây lan lại rất quan trọng. Việc điều trị bệnh tại nhà sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và bệnh sẽ từ từ biến mất;
  • Nếu bệnh đau mắt đỏ do vi khuẩn gây ra, người bệnh có thể đi học hoặc làm việc sau khi được điều trị 24 giờ với thuốc kháng sinh và các triệu chứng sau đó đang từ từ được cải thiện. Việc điều trị kháng sinh theo toa thường nhanh chóng giết chết vi khuẩn gây ra bệnh;
  • Bạn phải dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Toa thuốc có thể bao gồm thuốc nhỏ mắt và thuốc mỡ bôi vùng quanh mắt.
  • Đối với bệnh đau mắt đỏ liên quan đến dị ứng, thuốc kháng histamine như Loratadine (Claritin) hoặc Cetirizine (Zyrtec) có thể giúp làm dịu các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, bạn không được dùng thuốc kháng histamine cho trẻ em nếu không có chỉ dẫn của Bác sĩ.

Lưu ý

  • Bạn không nên sử dụng thuốc được kê toa hoặc toa thuốc cũ cho người khác, vì có thể chúng không phù hợp với tình trạng hiện tại của người bệnh hoặc có thể bạn đã bị nhiễm các loại bệnh khác gây ra đau mắt đỏ;
  • Khi chuẩn bị dùng thuốc nhỏ mắt để điều trị đau mắt đỏ cho trẻ em, bạn yêu cầu trẻ nằm xuống nơi bằng phẳng, bảo trẻ khép hờ mắt lại và từ từ nhỏ nước vào góc bên trong mắt bên cạnh sống mũi, và để nước từ từ chảy vào trong mắt trẻ. Khi trẻ mở mắt, thuốc sẽ nhẹ nhàng di chuyển vào các màng nhầy bị nhiễm trùng mà không cần phải nháy mắt liên tục.

Bênh đau mắt đỏ là một bệnh lành tính và dễ điều trị. Tuy nhiên, nó có khả năng lây lan rất nhanh. Chính vì vậy, khi thời tiết chuyển mùa, hãy nhớ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và không sử dụng chung đồ đạc cá nhân với người khác để không mắc bệnh đau mắt đỏ. Bên cạnh đó, hãy luôn duy trì chế độ ăn uống hợp lý cho người đau mắt đỏ và tiếp nhận điều trị nghiêm túc khi bị đau mắt đỏ bạn nhé.



HỆ THỐNG KÍNH THUỐC - PHÒNG KHÁM MẮT THU HÀ
(Đối diện cổng số 1 Bệnh viện mắt Trung Ương)

  • Phòng khám chuyên khoa mắt: Tầng 2, Số 134 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570 (máy lẻ 102)
  • Nhà Thuốc chuyên khoa mắt: Tầng 2, Số 134 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570 (máy lẻ 102)
  • Hiệu kính: Số 134 và 140 Bà Triệu, P.Nguyễn Du, Q.HBT, HN - ĐT 0243 943 4570
  • Hotline: 0908134140
  • ĐT: 02439434570
  • Web: www.kinhthuocthuha.vn
  • Email: phongkham@kinhthuocthuha.vn